Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Tôi đâu?

Dạo này, tôi không còn là tôi nữa. Tôi của bây giờ trở nên cộc cằn, dữ tợn, mệt mỏi và già nua, khác hẳn với tôi ngây thơ của ngày trước. Có những khi tôi nhìn vào trong gương, thấy có một cô gái lạ nhìn chằm chằm vào tôi, đương đưa ra một vẻ mặt kinh ngạc: là ai đây? Đây không phải tôi. Tôi ngây thơ hơn, tôi vui vẻ hơn, tôi hoạt bát hơn. Tôi không có những nét biểu cảm này.

Đây không phải tôi.

Tôi cũng sợ. Cảm giác như từng ngày, tôi mất đi bản ngã của chính mình. Tôi của nửa năm trước và tôi của bây giờ, khác xa nhau quá. Để rồi tôi sợ, đến một ngày, tôi sẽ thật sự bị lạc. Lạc giữa đời, lạc giữa chính tôi.

.

.

Tôi mệt rồi.

Tôi của hôm nay đang muốn trốn đến một cánh đồng. Ở đó, tôi ở một mình, tôi được bình tĩnh, tôi không phải đối diện với chuyện gì cả.

Nhưng mà, đời không như mơ. Tiếc là vậy.

.

.

Cười lên đi.

Sao không cười?

Sao vẫn không cười?

Tôi ơi, sao mày dở thế?

Ngày nào cũng cười mà.

Nhưng sao không cười?

.

.

Tôi vẫn còn sống, còn cố gắng đối đầu với tất cả. Mãi mãi, tôi cũng sẽ không bỏ cuộc.

Bạn bè tôi lần lượt bỏ cuộc rồi. Họ chọn cái chết, thay vì đối đầu với tất cả.

Tôi sẽ không bỏ cuộc.

Nhưng tôi chống cự được đến bao giờ?

Nhà tôi.

Tôi thì không được cầu kỳ và đòi hỏi cao như người khác. Chị tôi quan niệm, nhà phải là một tổ ấm. Nhà lạnh lẽo thì không còn là nhà. Còn với tôi, nhà đơn giản là một chỗ ở mà thôi. Vì tìm được một chỗ để trú chân qua hằng đêm, để thả ra những vất vả mệt nhọc, để dựa vào mà khóc, cũng là may mắn lắm rồi.


Vậy nên nơi nào chứa chấp tôi, dung nạp tôi, nuôi dưỡng tôi, thì nơi ấy là nhà.

Từ bé đến lớn, thường xuyên tôi ở nhà một mình. Thuở nhỏ còn bố mẹ luôn ở bên tôi, cả chị và bà nữa. Lúc ấy tôi ở quận 4, trong căn nhà nhỏ 83/2 đường Hoàng Diệu. Tôi ở đấy đến năm 4 tuổi.

Đến bây giờ, nhớ về căn nhà kia, là nhớ con đường hẻm thật chật, với những gánh hàng rong rải rác từ đầu ngõ vào nhà. Ngay đầu hẻm là một tiệm phở, mà tôi không còn nhớ tên tiệm là gì nữa (tôi thích gọi là tiệm phở đầu hẻm thôi. Nhanh gọn, dễ hiểu). Dường như tiệm ở đấy đã lâu lắm rồi. Nhiều khách đến đó ăn lắm, thường là khách quen. Chạy bàn cứ thật nhanh đưa phở, rồi tiện tay dọn bàn, lau bàn, lại vội vã tiếp khách khác. Khách hàng thì cứ người đến kẻ đi mà thôi. Có những khách quen thì tán chuyện cùng chạy bàn hoặc chủ tiệm.

Hương vị của tô phở đầu hẻm, tôi cũng không còn nhớ nữa. Thuở bé, mẹ ít hay cho con gái ăn hàng. Mẹ bảo rằng đồ ăn ở ngoài vệ sinh không tốt, để mẹ nấu cho ăn. Những món ăn vặt như bánh tráng, mì bịch... đối với tôi của thuở nhỏ nghe xa vời lắm. Đến tận sau này, khi nhà tôi chuyển đi và cô Thúy mua lại nhà rồi dọn đến, tôi mới lắm khi được thưởng thức hương vị phở đầu hẻm. Có lẽ phở không ngon lắm, cũng có thể phở ngon đến độ ăn một lần là không quên được, tôi cũng không còn nhớ nữa. Kí ức của tôi và tô phở không đậm, nhưng đó cũng là một phần của tuổi ấu thơ tôi.

Nhớ về ngôi nhà ấy là những trưa hè nóng gắt, tôi từ thanh cửa sắt ngắm nhìn những người người lao động mua cho mình những giấc ngủ vội. Họ tạt xe vào những quán lề đường ấy, mua một ly cà phê hay ly trà, rồi ngủ thật nhanh dưới bóng dù. Còn tôi cứ ngây thơ và sung sướng, chơi bời mãi không chịu ngủ trưa. Bà cứ bắt đi vào ngủ, còn tôi tìm mọi cách để trốn. Để rồi nghĩ mới thấy, thường con người ta quên đi những hạnh phúc nhỏ nhặt họ đang có.

Một ngày được ăn ba bữa là một điều hạnh phúc. Một ngày được ngủ dậy trễ, được ngủ trưa là một điều hạnh phúc. Một ngày ngây thơ, chơi bời khắp xóm, rồi lại về nhà xem tivi, đó cũng là hạnh phúc.

4 năm đầu đời của tôi vui lắm, êm đềm lắm. Giờ đây tôi nhớ lại, những ký ức đầu tiên ập về là cảnh tượng cô bé Quỳnh Thư chập chững tập đi, cố gắng với lấy hộp sữa Vinamilk trên nóc tủ lạnh. Ừ, ngày ấy tôi ham sữa lắm. Uống sữa nhiều đến tưởng chừng béo phì đến nơi. Và tôi nhớ những ngày ngồi xem quảng cáo đầy sắc màu cùng âm thanh vui nhộn, những ngày khóc thét lên vì tivi hỏng, những ngày tè dầm làm mẹ mệt bở cả hơi tai. Chưa kể những ngày... bậy bạ, làm cả một bãi ngay giữa nhà, làm mẹ hốt hoảng dọn cho con gái.

Sau này tôi mới biết, nhà ở Hoàng Diệu của tôi được gọi là nhà nở hậu. Trong 4 năm tôi sống, tôi đã không nhận ra rằng nhà càng về trong càng rộng. Để cứ thế, ngạc nhiên khi biết nhà mình là thế.

Rồi chuyển sang nhà ở Huỳnh Văn Chính. Nhà giờ đã rộng hơn, với khu vườn sau nhà và cây ổi thật sum suê bên nhà. Cây mọc giữa một quán lẩu, chìa ra những nhánh cây xanh mướt với những trái ổi chín mọng một cách thật mời gọi. Chị tôi vẫn... hay hái trộm ổi từ cây này, lấy lý do: ai bảo ổi hấp dẫn. Rồi mỗi lần hái là hai ba trái ổi đỏ, các chị em gái chia nhau mà ăn. Ổi không ngon, thậm chí chua và cứng ngắt, nhưng ai nấy đều vui, vì đây là công sức của chị; là thành quả chị... rình mò mãi mới được.

Đổi lại cho những trái ổi chị chôm, trước nhà tôi cũng có một cây lựu. Một năm cây cho ra vài quả thôi, vậy mà những người ở quán bên kia lại trèo sang và... chôm lựu nhà tôi. Thì cả nhà cũng chỉ ngậm ngùi, thôi đổi lựu lấy ổi. Mà nhà tôi lại lời nữa chứ. Mỗi lần họ hái chỉ được một trái lựu, còn chị tôi hái thì được hằng hà những trái ổi non.

Ở nhà này tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Nhiều lắm những kỷ niệm chọc chị, bị chị đánh, rồi lại khóc nhè. Xong bố lại bênh con nhỏ, sợ con nhỏ khóc thêm, nên vờ đánh bị. Xong bố mới bảo: bố đánh chị hai rồi! Con nhỏ cũng ác, lại cười và hết khóc nữa chứ. Rồi những khi tôi đùa: em 6 tuổi thì được ngủ ghế, còn chị lên cấp 2 mới được ngủ giường. Tức là em... đái dầm ít hơn chị. Dù thật ra, đến sau này bà mới bảo tôi: hai chị em mày đều là kiện tướng đái dầm cả!

Phía sau nhà cũng có một khu vườn rộng bạt ngàn, với những khóm cây mọc thật đều. Đó với đứa trẻ như tôi, cũng giống một xứ sở thần tiên bí mật, mà mỗi lần mở cửa sau nhà ra là bước vào thế giới mới. Đầy những khám phá, đầy những diệu kì trong đó. Buổi tối, nhà tôi dùng cơm ở sân thượng, thì ngắm ra phía vườn. Đẹp lắm.

(còn tiếp)

Tôi, bốc đồng và tuổi trẻ.

Xa nhà đến nay, có lẽ cũng phải đến nửa năm rồi. Là nửa năm của những cảm xúc ngổn ngang, gào thét mãi để tìm ra những ngôn từ diễn tả, là nửa năm của những bâng khuâng bồi hồi, của những sợ hãi và nhớ thương mỗi đêm dài. Là nửa năm vui vẻ, là nửa năm đau buồn, là một góc đời tôi đã chôn vùi trong nước mắt.

Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi những tưởng sẽ viết thật nhiều. Để than vãn về những ngày buồn tẻ, để nhớ nhung những người tôi yêu, để đơn giản đối diện với chính mình. Vậy mà thực tế lại làm chính tôi ngạc nhiên: rằng tôi hầu như bỏ đi chốn riêng tư của mình. Tâm sự ngổn ngang đầy ra đấy, nhưng mãi không đưa vào hộp tâm sự nhỏ này được.

Đã rất nhiều lần tôi cố gắng mở laptop, vào blog, định viết lại về những cảm nghĩ thoáng qua. Để rồi tôi lại hoảng hốt, nhận ra rằng khả năng viết đã rời đi khỏi tôi và chính tôi cũng không tìm được ngôn từ để diễn tả chính bản thân mình. Như một phần hồn tôi lạc mất, tôi không còn là tôi, cũng không còn biết bản thân là ai nữa.

Nhưng hôm nay, tôi viết được. Âu cũng là một điều may mắn. Vì vốn dĩ, viết từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Mất đi nó, cũng chính là giết đi chính mình.

.

.

Không chỉ có một người đã bảo tôi bốc đồng và nông nổi.

Tôi thích biện hộ cho bản thân, rằng tất cả đều đáng trân trọng. Cả những khờ dại và những quyết định sai lầm, cả những ngây thơ cũng như những câu chuyện tổn thương tôi sâu sắc. Như hồn tôi là một bức họa, phải có những gam màu đối lập tồn tại chung. Gam màu tối không tồn tại thì gam màu sáng sẽ vụn vỡ.

Từng có ai bảo tôi, rằng họ muốn được như tôi. Họ muốn trải qua những xui xẻo, muốn hưởng sự bốc đồng khờ dại của tôi, để đến cái ngưỡng "điên khùng" của tôi, để hiểu được mọi chuyện hơn. Và tôi chỉ cười, đáp lại: đừng muốn thế, sẽ hối hận đấy. Trải qua rồi mới biết, những chuyện đó tránh đi thì tốt hơn.

Trong tôi tồn tại những mâu thuẫn. Nửa tôi tự hào vì bản thân đã trải qua những chuyện buồn kia, nửa hối hận vì một cái tôi dại khờ.

Nhưng cuối cùng, tất cả vẫn là tôi, tạo ra một tôi như thế này.

Hối hận cũng không được gì, thôi thì học cách yêu nó vậy.

.

.

Tôi mệt rồi.

Tôi chán rồi.

Tôi điên lên mất rồi.

Phải chi đời có một cuốn công thức. Tôi sẽ chỉ việc tìm cách giải quyết cho những vấn đề, rồi áp dụng, rồi tận hưởng kết quả thật vui.

Nhưng đời không phải một cuốn sách, với những trang đầu và trang cuối định ra sẵn. Đời là một xấp giấy trắng, mà tôi phải ghi lại trên đó những câu hành trình.

.

.

Tôi thích rượu.

Rượu không làm tôi quên đi những chuyện tôi gặp phải. Nhưng rượu cho tôi hiểu được là tôi đang sống, và có chua chát đến mấy thì tôi cũng phải chịu thôi.

Cũng là một hình thức tự tạt nước lạnh vào mình đấy thôi.

Nhưng mà chỗ nước lạnh này có vị, vị chát và vị đắng. Chỗ nước lạnh này đủ sức khiến con người ra điên lên, vượt qua những giới hạn xiềng xích cõi hồn.