Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Trách nhiệm

Tôi không có ý định tâng bốc bản thân nữa, vì tôi cũng không còn lý do để làm như vậy. Tôi sẽ tự nhận mình giỏi, cũng như tôi sẽ tự nhận mình dốt. Đối với những ai chấp nhận được những dòng suy nghĩ này của tôi, thì hãy đọc. Đừng mở ra xem để rồi nói xấu tôi, vì tôi không quan tâm đâu. Nó chỉ làm cơ miệng bạn phải hoạt động nhiều hơn, tốn nước bọt và thời gian hơn để nói về một đứa như tôi.

Giờ đây, tôi đang viết bài viết này, có chăng cũng vì tôi đang rất xúc động trước những gì tôi đã trải qua. Thiết nghĩ những suy nghĩ này rồi sẽ đến một ngày được tôi mở ra đọc lại, được trân trọng bởi chính tôi, được phì cười vào và được tôi tự nhủ: “Ngày xưa, tôi đã thế này đây”. Vậy nên tôi viết.

Tôi hiện là một du học sinh ở Canada và tôi tự trộm nghĩ rằng, bản thân mình đã được hưởng hai nền giáo dục khác nhau, với ba phương pháp giáo dục đối lập. Tôi đã từng là một học sinh giỏi, cũng đã từng là một học sinh dốt. Có lẽ, tôi nghĩ, tôi hiểu được suy nghĩ của một học sinh giỏi, cũng như hiểu được những gì một học sinh dốt trải qua.

Nhiều khi tôi tự hỏi, phải chăng cũng vì vậy mà giờ đây tôi mới trái tính trái nết thế này? Có những người tiếp xúc với tôi và bảo: “good girl, sweet girl, nice girl” (cô bé ngoan, cô bé dễ thương, cô bé tốt bụng). Cũng có ai đó nói tôi là một đứa trẻ “hỗn láo, mất dạy, khôn nhà dại chợ, dốt nát”. Nó không còn là do định nghĩa khác nhau của “hỗn láo, mất dạy” ở từng nơi nữa. Nó cũng không còn là định kiến và áp đặt lên một đứa trẻ. Nó là tiếp cận với một suy nghĩ mới, một cách tích cực và một cách tiêu cực. Nó nhiều khi, cũng chính là tiến hóa và thoái hỏa của giáo dục.

Nói một cách vĩ mô đến vậy, nhưng bản thân tôi thật ra không hiểu một cách tường tận về cách giáo dục của từng nơi. Tôi chỉ đơn giản là một học sinh, đang băn khoăn và suy nghĩ, vì sao phương pháp giáo dục và thành quả giáo dục của hai nơi quá khác nhau? Có khi nào nền giáo dục ấy dung nạp được không? Để rồi tôi nhận ra, bản chất sự khác biệt của hai nơi chính là “nhận lấy trách nhiệm” và “đùn đẩy trách nhiệm”.

Ở cấp một, tôi thừa hưởng một nền giáo dục mang đậm bản chất Việt Nam. Hư là đánh, mà ngoan thì chỉ giáo viên khen trước lớp. Học sinh năng động giơ tay là học sinh ngoan ngoãn, giỏi giang. Học sinh lười biếng, hạnh kiểm khá, học lực khá, sẽ bị xem là học sinh hư. Và khi tiểu học, tôi đã là một học sinh giỏi. Tôi luôn ở trong top 5, thậm chí có một đợt giáo viên còn giải thích với tôi: “Đợt này em không được đi thi học sinh giỏi là vì em chỉ hạng 4, còn thầy chọn ra 3 học sinh giỏi nhất đem đi thi. Đừng buồn em nhé”. Lúc đó tôi chẳng… biết gì về khái niệm học sinh giỏi. Cứ đến lớp và ngoan ngoãn làm bài ở nhà, đến đâu thì đến. Cấp một dễ dàng và không áp lực một tí nào.

Đến cấp 2, tôi học trường Lữ Gia. Đến bây giờ, đó vẫn là ngôi trường tôi nhớ về nhiều nhất, cũng là nơi có cách giáo dục… lạ nhất tôi từng gặp. Đó là nơi giao thoa của sự tự giác và sự bắt buộc, hay ít nhất là tôi nghĩ như vậy trong suốt 4 năm tôi học ở đó. Đến sau này xem chừng cách giáo dục ấy không còn hiệu quả nữa.

Lữ Gia là một ngôi trường trong quận, trường khá giỏi (hạng 3 toàn quận). Dù cho đối tượng học sinh vào Lữ Gia có rất nhiều học sinh với cha mẹ là người lao động; việc giáo dục trở thành một điều bắt buộc chứ không còn là mục đích nữa. Có rất nhiều người học từ Lữ Gia xong đã phải vào trường nghề, do chí hướng và định hướng học hành đã không tồn tại trong tư tưởng của cả học sinh cả phụ huynh. Nhiều người bảo tôi: “Lữ Gia của mày thế đấy, mà có ai vào được trường giỏi đâu”. Nhưng tôi vẫn trộm nghĩ, đối với một ngôi trường mà không bao nhiêu lớp được chí hướng học hành; còn lại đến trường vì nghĩa vụ và bạn bè, mà đạt được kết quả như năm tôi là đã đáng mừng rồi đấy.

Ở Lữ Gia, chúng tôi được dạy cách hợp tác và cố gắng hết sức mình. Những phong trào được tổ chức và giáo viên hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình. Đến khi xảy ra chuyện, phụ huynh và giáo viên (kể cả giám thị) kết hợp rất chặt để HƯỚNG DẪN chúng tôi chuyện gì nên làm và không nên làm. Lớp 9 tôi đã gây ra một chuyện tày đình, và cuối cùng điều tôi nhận được là nhà trường cũng như cô giáo chủ nhiệm (cô Quỳnh) đã giúp đỡ tôi vô cùng nhiều để tôi vượt qua mọi chuyện. Tôi mạn phép nghĩ, biết đâu những sự giúp đỡ đó không còn vì trách nhiệm nghề nghiệp nữa, mà chính là vì tình yêu của giáo viên đối với học sinh và nghề nghiệp của chính mình.

Ở cấp hai, tôi vẫn là một học sinh giỏi, lúc nào cũng ở trong top 10.

Đến cấp ba, tôi học Nguyễn Thượng Hiền, một trong những ngôi trường tốt nhất (nằm trong top 4) của thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy. Những tưởng nền giáo dục sẽ tuyệt vời hơn nhiều, nhưng tôi lại khá… thất vọng. Tôi đã là một học sinh dốt, và cảm giác như họ sẵn sàng bỏ rơi tôi và đuổi học tôi nếu tôi học dốt và kỷ luật kém. Tất cả như là chế độ độc tài và chế độ phong kiến vậy. Giáo viên không quan tâm đến học sinh, đến phong trào để học sinh tự bơi. Sỉ nhục học sinh trước tập thể và đuổi học học sinh khi học sinh đó có khả năng đưa lại tiếng xấu cho nhà trường. Tôi đã bị bắt nạt rất nhiều bởi giáo viên chủ nhiệm lớp 10, và hệ quả cuối cùng là tôi đã tự cô lập bản thân với lớp tôi trong suốt thời gian tôi học ở Việt Nam trong lớp đó.

Rồi tôi sang đây, học Central Commerce Collegiate Institute. Tôi chỉ đến đây được hai tháng, nhưng tôi rất thích những điều nơi đây đem lại. Bữa sáng miễn phí, và tôi cũng từng được hiệu trưởng đề xuất cho ăn trưa miễn phí ở trường. Giáo viên luôn quan tâm đến học sinh và sẵn sàng giúp đỡ học sinh. Học sinh học yếu luôn có quyền hỏi giáo viên sau giờ học, có Study Hall với sinh viên UoT và các giáo viên sẵn sàng ở đó để giúp đỡ học sinh. Trang thiết bị đầy đủ, rất nhiều computer lab. Những giờ học hóa được thí nghiệm, học quản trị kinh doanh được thuyết trình và tiếp cận với bài học. Những giờ học toán luôn được hướng dẫn tận tình và đưa ra những trang web toán học để học sinh về nhà tự ôn lại.

Tôi hiện tại vẫn đang học Central Commerce Collegiate Institute (CCC). Xem chừng, điều duy nhất tôi nhận ra về những phương pháp giáo dục là: nhận lấy trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm. Đối với trường cấp hai của tôi và CCC, phương pháp giáo dục là nhận lấy trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ học sinh. Còn phương pháp giáo dục ở Nguyễn Thượng Hiền cũng như những trường học khác là đùn đẩy trách nhiệm. Có lẽ vì chạy đua theo thành tích mà những ngôi trường như vậy đã thật sự không quan tâm đến học sinh: đối tượng giáo dục (nói một cách… kinh tế thì chính là khách hàng của tổ chức đó). Trong thâm tâm của tôi, một ngôi trường không chỉ là nhà chứa kiến thức. Nó là nơi cải thiện nhân cách của một con người, nơi kết nối những học sinh với nhau để chúng có bạn bè, nơi đào tạo khả năng làm việc tập thể, nơi cung cấp tri thức vô bờ và tri thức luôn được cập nhật; là một cộng đồng nhỏ nơi học sinh tăng được khả năng giao tiếp và lắng nghe. Một ngôi trường chỉ biết dạy học, thì đó đã là một thất bại giáo dục rồi. Dù cho danh tiếng của nó cao đến dường nào, dù cho những người khác trọng vọng nó như thế nào.

Lấy một ví dụ cụ thể, khi tôi gặp chuyện ở Lữ Gia. Thời đó tôi bị quy tội hỗn với giáo viên (nói thật ra là bị hại đấy) và điều tôi nhận được là những giáo viên khác cố hết sức giúp đỡ tôi, mắng tôi vì muốn dạy tôi và đã một mực hướng dẫn tôi cho đến khi tôi không phạm phải lỗi đó nữa. Khi tôi khóc ở CCC, thầy Braumburger đã lắng nghe tôi và gọi cô hiệu trưởng cũng như cố vấn du học sinh lên để nghe tôi tâm sự và tìm mọi cách giúp đỡ, cũng như bảo vệ tôi, sau khi nghe tôi sống một mình và điểm tôi đang đi xuống do tôi bị stress. Họ đề nghị giúp đỡ tôi, thậm chí… nấu cơm trưa cho tôi và khuyên tôi rất chân tình. Cô hiệu trưởng thậm chí còn đôi khi tìm tôi để kiểm tra xem tôi có đang tâm trạng ổn định không. Họ nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ một học sinh vô cùng tận tình để đưa ra kết quả giáo dục tốt nhất.

Riêng ở Nguyễn Thượng Hiền, bất kì lỗi gì tôi gặp được cũng đều bị mắng mỏ sỉ nhục. Họ bảo tôi mất dạy, hỗn láo, vô tự trọng, muôn vàn từ ngữ kinh khủng khác để nói với tôi. Đương nhiên có những giáo viên rất tuyệt vời, nhưng dường như… ít quá. Việc họ đối xử với tôi khi tôi chỉ được khoảng 7,7 cho trung bình tất cả là… muốn tống cổ tôi ra khỏi trường để giữ lại danh tiếng cho trường. Họ cho rằng, giáo dục con em là trách nhiệm của phụ huynh, và nhiệm vụ của học sinh là giữ danh tiếng cho trường. Nói cách khác, khách hàng của họ mang nghĩa vụ đưa ra điều tiếng tốt đẹp cho tổ chức giáo dục này, và họ chỉ bán đi tri thức mà thôi.

Tôi vẫn ủng hộ cách giáo dục ở CCC và Lữ Gia, cách giáo dục nhận lấy trách nhiệm và thực sự quan tâm đến học sinh hơn. Vì trong suốt thời gian ở Nguyễn Thượng Hiền, tâm lý của tôi không bao giờ được ổn định. Lúc nào cũng là sợ áp lực, sợ sệt bị đuổi học, và nhiều điều khác. Nếu bố mẹ tôi không luôn ở đó ủng hộ tôi, nói thật, tôi biết đâu đã không đủ can đảm vượt qua, mà phải tìm đến cách giải quyết tiêu cực khác. Một học sinh giỏi và dốt như tôi, một học sinh lười biếng như tôi, một học sinh nhạy cảm như tôi, đã chưa bao giờ chịu được để vượt qua nền giáo dục ở Nguyễn Thượng Hiền. Vì xem chừng, mỗi khi chuyển môi trường học, ban đầu điểm của tôi chưa lên được, từ từ mới lên nổi. Tôi cần sự ủng hộ và giúp đỡ, nhưng tôi chỉ nhận được những điều đó ở CCC và Lữ Gia, không phải ở Nguyễn Thượng Hiền.

Có thể quan điểm của tôi hơi khắt khe, nhưng một nền giáo dục mà xem xét việc dạy dỗ học sinh như trách nhiệm và danh tiếng, thì đó đã là thoái hóa của giáo dục rồi. Tôi cũng không đồng tình với cách các trường học luôn đuổi học sinh khi học sinh đó phạm lỗi lầm gì. Vì sao lại không dạy dỗ được học sinh? Để rồi khi học sinh có lỗi lại đùn đẩy trách nhiệm cho những ngôi trường khác và cả xã hội. Học sinh bị đuổi học đó rồi sẽ ra sao? Còn ai nhận học sinh đó vào? Vì sao không quyết định giúp đỡ học sinh đó, mà lại bỏ mặc họ? Tương lai xuất hiện thêm một kẻ thất nghiệp, vậy thì giáo dục có hiệu quả không?

Thêm vào đó, đừng chạy theo danh tiếng nữa. Tôi đã sống ở Việt Nam, và tôi thật sự khiếp sợ khi tất cả mọi điều phải hoàn hảo. Mệt mỏi kinh khủng. Ở một độ tuổi cần được giáo dục, mà lại không cung cấp một nền giáo dục toàn diện về tâm hồn và về tri thức, chỉ đối diện với những chỉ tiêu phải đạt được. Đó không phải là giáo dục, mà là ném trẻ em ra đời quá sớm, bắt chúng phải theo kịp với một xã hội thành tích rồi.

(cười) Bài này viết vào lúc 3h41 sáng, trong một tuần căng thẳng của tôi. Chỉ bằng viết, tôi mới thấy dễ chịu ra. Cả tuần rồi cảm giác mệt mỏi kinh khủng, và điểm của tôi đã đi xuống. Mong cho điểm sẽ cao lên lại (cười). Cố gắng lên nào.

Tôi làm được mà, Quỳnh Thư ơi. Cô gái làm được mà.

05.04.12

Một đêm lạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét