Trên mạng dạo này bỗng lan nhau một truyện ngắn, về một người mẹ và hy sinh của người mẹ đấy, về một người con và vô ơn của kẻ làm con. Cứ thế, lan từ người này đến người khác, truyền tay nhau mà đọc, chia sẻ nhau mà ngẫm, rồi từ đó lại thương mẹ mình hơn và tự trách mình hơn.
Tóm tắt đại khái câu chuyện rằng, có cậu con trai sinh ra trong gia đình không có bố, người mẹ bị chột mắt một mình tảo tần nuôi con. Bọn trẻ vô tư cứ chọc thằng bé, tội có mẹ bị chột, làm nó ghét luôn mẹ mình và thờ ơ với mẹ suốt cả cuộc đời. Tận khi nó có vợ con rồi, mẹ nó đến tìm, nó xua như đuổi tà, làm bà mẹ ngậm ngùi “Xin lỗi cậu, tôi vào nhầm nhà”. Đến ngày nó quay về quê, tìm mẹ nó, mới hay tin mẹ mất, để lại một bức thư với nội dung ngắn ngủi: “Con đọc thư này chắc mẹ cũng đi mất rồi. Xin lỗi con vì mẹ bị chột mắt. Ngày bé con gặp tai nạn, bác sĩ nói phải lấy đi một mắt của con, nên mẹ cho con luôn mắt của mẹ, không ngờ vì vậy mà lại bị con ghét. Mẹ yêu con nhiều lắm, con nhé. Lúc nào mẹ cũng ở bên con cả.”
Con đọc câu chuyện này vào ba giờ đêm sáng mùng một tháng sáu, là hai giờ chiều thứ bảy ở bên mẹ. Buổi sáng bố mẹ gọi con vẫn còn bận bịu lắm, nhưng bố mẹ tranh thủ từng phút gọi cho con vui, gọi cho biết tin con đang ở đâu và làm gì, gọi cho đỡ nhớ tiếng của nhau, đỡ nhớ bản thân nhau. Vì mẹ con mình, do quyết định du học của con, mà xa nhau đến tận nửa vòng trái đất, cách nhau tận cả ngày bay để gặp nhau; đến cả sắp xếp mà gặp nhau, nói chuyện với nhau cũng tưởng chừng xa vời.
Mẹ lớn lên không có bố, nên chắc hơn tất cả mọi người, mẹ hiểu rõ nhất, xa bố xa mẹ nó buồn đến dường nào. Như lúc nào cũng có khoảng trống nhất định, như tự tin, vui tươi và cả tâm hồn của con bị bóp nát đi một ít, chỉ có thể được lắp đầy khi gần bố mẹ.
Con nhớ bố mẹ nhiều lắm. Do dạo rồi con lơ đãng và trễ nãi nên lại bỏ lỡ mấy tháng trời ở gần bố mẹ, phí biết bao tiền của và thời gian. Con cứ hay tưởng tượng, giờ này con ở Việt Nam là con đang gân cổ lên cãi đổng mẹ để trốn rửa bát, đang lén lút mẹ mua khoai chiên hay bánh tráng trộn về ăn, đang nằm lười chình ình ra trên sofa nhà đợi cơm mẹ nấu, hì.
Con đùa chứ, con chả lười thế đâu. Con lười hơn. :)
Rồi con lại tưởng tượng, con ở nhà thì mẹ thấy con ở bên này học nấu được những gì. Con nấu không ngon, nhưng ít ra con cũng biết nấu rồi. Rửa chén con cũng rửa sạch hơn, và vì ở đây chẳng ai lo cho con được, nên mẹ sẽ nhận ra, con học thêm cách tự chăm sóc bản thân như thế nào. Con biết tự nấu cháo khi con ốm, con biết khi đau đầu cần phải uống thuốc gì, vân vân và vân vân những chuyện khác.
Con cứ tưởng tượng mãi, rồi lại bóp chết giấc mơ và về với một sự thật, là con đang ở xa, đang nhìn đồng hồ từng giờ từng phút, trách mình tại sao lại còn đang ở đây mà không về với mẹ.
À, mẹ biết đấy, con dài dòng lê thê lắm, nhưng những gì con nói với mẹ là con nói rất thật. Chẳng cần văn vẻ hoa mỹ nữa đâu. Con nói con thương mẹ là con cũng nói rất thật.
Lại quay về câu chuyện ban nãy.
Tuần vừa qua là tuần khó khăn nhất con trải qua trong suốt 17 năm con sống. Anh chị đuổi con ra khỏi nhà, con phải lê lết từ nhà này qua nhà khác xin ở nhờ mấy hôm, con ngồi ngoài lạnh 4 5 độ suốt mấy tiếng đồng hồ, mặc mỗi chiếc áo thun và quần đùi sơ sài. Con cứ tưởng phải chia tay bạn trai, con cãi nhau với bố mẹ, con cãi nhau với gia đình, con bị mất thẻ xe buýt tháng, bạn thân con không chịu nói chuyện với con, ti tỉ những xui xẻo khác nữa. Mà vì gặp khó nên lại mờ mắt, không nhận ra những hy sinh mất mát, hay những lo âu trong giọng gắt gỏng của bố mẹ với con.
Con nhận ra, cũng như người mẹ chột mắt hy sinh mắt cho con mình, bố mẹ cũng có những hy sinh nhất định và cũng lớn lao của bố mẹ. Chưa bàn đến những đêm mất ngủ bố mẹ gắng làm để chắt chiu thêm vài đồng cho con đi học, cũng chẳng kể đến những chủ nhật bận rộn bố mẹ bạc đi từng sợi tóc; con chỉ muốn nói về hy sinh lớn nhất của bố mẹ cho con, là bán yêu thương và nũng nịu của con cho bố mẹ đi để đổi lấy hiểu lầm và trách móc về mình.
Tự dưng con thấy, bố mẹ nào mà không thương, không lo cho con? Nhưng đến lúc con cái hư, phải cần thời gian cho con cái tự đứng lên mà hiểu được mình sai ở chỗ nào. Lo lắng mà không được nói, yêu thương mà không được tỏ, nhớ nhung mà không được yếu mềm, là hy sinh bố mẹ dành cho con.
Con lại nhớ có một câu chuyện, về cậu bé và kén bướm. Có chú nhộng bướm đang vươn mình thoát ra khỏi kén dày, cậu bé nhỏ đi ngang qua nhìn thấy và phá vỡ kén bướm cho nhộng, để rồi cuối cùng, nhộng chẳng bao giờ hóa thành một chú bướm được.
Giả sử lúc đó, con sai, bố mẹ nuông chiều con, thì đến bao giờ con mới lớn?
Con chỉ muốn nói đôi lời về chuyện ấy, cho bố mẹ hiểu rằng, con biết con sai rồi và con xin lỗi bố mẹ. Con cứ tưởng bố mẹ chả nhớ nhung gì con đâu, nên không gọi cho con suốt. Ấy thế mà bố mẹ ở Việt Nam đi làm mãi, chả nói cho con biết làm gì. Đến lúc Ngọc Anh nói con: “Mẹ Thư nhớ Thư lắm, nói về Thư suốt”, hay có chị nhân viên công ty ngồi cùng xe với mẹ kể con “Mẹ em nhớ em lắm. Có hôm mẹ em và chị đang đi chuyển tiền ngân hàng, mẹ em nói: giờ này Thư nó ăn cơm chưa? Rồi mẹ em khóc đến ốm luôn.”
Thì ra, muốn hiểu cho bậc làm cha làm mẹ đơn giản lắm. Chỉ cần biết, làm cha làm mẹ là làm kẻ hy sinh, còn làm con làm cái thì muôn đời là kẻ vô ơn chẳng đền đáp ơn nổi thôi.
Phụ huynh nào cũng thế, chỉ mắc một sai lầm lớn nhất là hy sinh quá nhiều. Còn sai lầm của đứa con, thường là không hiểu được những hy sinh đó, mà quay lưng lại với đấng sinh thành của chính mình.
Mẹ ơi, mẹ chờ con mẹ nhé. Tháng năm năm sau mẹ con mình lại gặp nhau. Con nhớ mẹ nhiều lắm.
Con của mẹ,
Quỳnh Thư.
.
Viết thư mà chả ai đọc được :)) gửi cũng chưa được gửi. Hơi buồn :))